Là loài thú cưng rất được yêu thích, thế nhưng lông chó lại có thể gây dị ứng nghiêm trọng đối với một số người. Hôm nay, hãy cùng mình tìm hiểu nguyên nhân và dấu hiệu nhận biết chứng dị ứng này nhé!
1. Nguyên nhân gây dị ứng lông chó
Trong nước bọt, nước tiểu, da chết của chó sẽ chứa một số loại protein kích thích hệ thống miễn dịch của những người có thể trạng nhạy cảm và từ đó gây ra tình trạng dị ứng. Giống chó khác nhau cũng sẽ tiết ra những protein không giống nhau, do đó tuy bạn không dị ứng với lông chó này nhưng vẫn có thể dị ứng với lông loài chó khác.
Ngoài ra, trên lông chó nói riêng và lông thú cưng nói chung có thể sẽ bị dính các chất gây kích ứng như bụi, da chết hoặc một số vi khuẩn khác, vì thế khi lông chúng bị vương trên sàn nhà, thảm, quần áo, bay lơ lửng trong không khí và tiếp xúc với mắt, mũi,… của chúng ta có thể sẽ gây dị ứng cũng như một số tình trạng sức khỏe khác.
2. Triệu chứng dị ứng lông chó
Tùy thuộc vào cơ địa mỗi người mà biểu hiện nặng – nhẹ và thời gian mắc dị ứng lâu – ngắn sẽ không giống nhau. Tuy nhiên nhìn chung, người bị dị ứng lông chó có thể sẽ gặp một số triệu chứng sau đây:
- Bị sưng, ngứa ở quanh mắt hoặc màng mũi.
- Da đỏ ửng sau khi bị chó liếm.
- Sau khi tiếp xúc với lông chó thì cơ thể có dấu hiệu như ho, thở khò khè hoặc bị khó thở trong 15 – 30 phút.
- Theo nhiều khảo sát của APPA – Hiệp hội Sản phẩm Vật nuôi Hoa Kỳ và AVMA – Hiệp hội Y tế Thú y Hoa Kỳ, ước tính cứ khoảng 31 triệu người Mỹ dị ứng lông động vật thì sẽ có đến 30% người bị mắc bệnh hen suyễn nghiêm trọng.
- Trẻ em bị dị ứng lông chó mèo thường bị xuất hiện các vết chàm da – tình trạng viêm đau của làn da.
3. Cách điều trị dị ứng lông chó
Điều trị bằng thuốc
Sau khi đã nhận được sự tư vấn từ các bác sĩ chuyên gia, bạn có thể sử dụng một số loại thuốc điều trị dị ứng lông động vật như:
- Các loại thuốc kháng histamin không cần kê đơn (OTC) như allegra, benadryl, claritin và clarinex để giúp giảm ngứa, sổ mũi hay hắt hơi.
- Thuốc corticosteroid dùng cho dị ứng mũi như nasonex hoặc flonase nhằm giúp giảm viêm và kiểm soát một số triệu chứng dị ứng khác.
- Thuốc xịt mũi OTC natri cromolyn có khả năng làm giảm nhiều triệu chứng dị ứng lông động vật.
- Một số loại thuốc dạng uống hoặc xịt mũi có thể giúp thông mũi, thông đường thở bằng cách thu nhỏ các mô sưng trong mũi.
- Trong trường hợp tình trạng dị ứng trở nên nghiêm trọng và không còn nhiều sự lựa chọn khác, bác sĩ có thể đề nghị bạn tiêm thuốc chống dị ứng (gồm một lượng ít protein của chó trong thành phần) hoặc sử dụng toa thuốc ức chế leukotriene nếu cơ thể bạn không dung nạp được corticosteroid hay histamin.
Điều trị bằng nước muối
Trong trường hợp hít phải lông chó và bị dị ứng, bạn có thể sử dụng bộ dụng cụ rửa mũi, nước muối xịt mũi OTC được bán tại nhiều tiệm thuốc hoặc nước muối tự pha gồm nước cất và ⅛ muỗng cà phê muối, từ đó giúp hạn chế tình trạng chảy dịch mũi sau cũng như kiểm soát hiệu quả triệu chứng nghẹt mũi.
4. Cách phòng ngừa dị ứng lông chó
Để tránh bị dị ứng lông chó diễn ra thường xuyên và tình trạng trở nên nghiêm trọng hơn, bạn nên chú ý một số cách phòng ngừa như sau đây:
- Tắm cho chó hằng tuần bằng các loại dầu tắm dành riêng cho thú cưng.
- Khi chọn thú cưng, bạn nên đến chọn trực tiếp để biết mình có bị dị ứng với loài thú cưng đó không, ngoài ra cũng cần chú ý khi tiếp xúc với người có nuôi chó nhằm tránh vô tình bị dị ứng.
- Dẹp bỏ những vật dụng dễ bị lông chó vương vào như thảm, rèm cửa, bọc đồ nội thất,… Ngoài ra, bạn nên thay thường xuyên các loại quần áo hay tiếp xúc với thú nuôi, đồng thời có thể sử dụng máy lọc không khí để làm giảm các chất gây dị ứng còn lơ lửng trong không khí.
- Bên cạnh việc để chó ở ngoài, bạn cũng có thể thiết lập một số khu vực cấm vật nuôi tại nhà như phòng ngủ, phòng bếp,…
Trên đây là đầy đủ thông tin về nguyên nhân cùng dấu hiệu nhận biết chứng dị ứng lông chó. Hy vọng với bài viết này của MasterCare, bạn sẽ có thể bảo vệ sức khỏe của mình tốt hơn và nhất là khi trong nhà cũng đang nuôi một chú chó nhé!